Dành cho giáo viên
-
Luật Trí Não Dành Cho Trẻ (Tái bản)
Cẩm nang nuôi dạy con thời bội thực thông tin nhiều như lá trên rừng nhưng tìm được những thông tin xác thực lại khó như mò kim đáy bể. Thế là phần lớn các bạn cha mẹ trẻ “nuôi con trong hoang mang”: tin sách; hay nghe “”kinh nghiệm sống” của “chị” nội, “chị” ngoại; hay pho-lâu anh A nổi tiếng, chị B “hót mâm”???Nếu các bạn cần CƠ SỞ KHOA HỌC XÁC THỰC về việc nuôi dạy con cái, chứ không phải những chuyện hoang đường đầy rẫy trên mạng thì nên tham khảo LUẬT TRÍ NÃO DÀNH CHO TRẺ của JOHN MEDINA – một nhà sinh vật học phân tử phát triển, người dành phần lớn thời gian nghiên cứu trẻ sơ sinh xử lý thông tin từ cấp độ phân tử, tế bào và hành vi. Với mong muốn giúp từ những bà mẹ mới phát hiện có bầu, đến những gia đình có con đang chập chững biết đi, và cả những người chợt nhận ra mình đang phải nuôi dạy… cả chắt, ông tổng hợp những giải đáp các câu hỏi của nhiều thế hệ cha mẹ nêu lên, đồng thời dập tắt những ý nghĩ hoang đường của họ.Một trong số hằng hà sa số những hoang đường:Mua cho bé băng đĩa dạy ngôn ngữ, trò chơi trên iPad là có thể tăng cường vốn từ cho bé = HOANG ĐƯỜNG.
Sự thực là có một số trò chơi trên băng đĩa còn làm giảm số lượng từ của bé.CHÍNH LƯỢNG TỪ NGỮ BẠN SỬ DỤNG KHI TRÒ CHUYỆN VỚI TRẺ MỚI GIÚP GIA TĂNG CẢ VỐN TỪ LẪN TRÍ THÔNG MINH CHO TRẺ. Những từ này phải được CHÍNH BẠN – một con người bằng xương, bằng thịt nói ra.Điều giá trị nhất của cuốn sách này là John Medina không an ủi, khuyên bảo bạn phải làm thế này hay làm thế. Ông chỉ phân tích cho bạn thấy, giúp bạn THÔNG HIỂU những QUY LUẬT CỦA TRÍ NÃO, để bạn đừng vỡ mộng vì KHÔNG CÓ cách nào có thể giải quyết MỌI tình huống nuôi dạy con cái. Bạn phải tự tìm ra cách, dựa trên hiểu biết về quy tắc tổng quát, và hiểu về con mình. Đó là lý do trong suốt cuốn sách hơn 300 trang này John Medina không ngớt nhắc nhở Bạn – CHÍNH BẠN, bằng xương bằng thịt mới có vai trò quyết định trong sự phát triển toàn diện của con mình (đừng phó mặc cho nhà trường, đừng vội chửi thầy/cô giáo)!
Sau tất cả thì “CHẲNG CÓ VIỆC GÌ ĐÁNG BỎ CÔNG SỨC RA HƠN LÀ NUÔI DẠY CON CÁI”!P.S. Hài hước, hóm hỉnh vô cùng. Chỉ khi thấu rõ bản chất mới có thể có những liên tưởng cực kỳ đơn giản, và siêu hài. Chả thế đồng nghiệp của ông thán phục “John Medina đã tạo ra được một KỲ CÔNG: trình bày một cách ĐƠN GIẢN NHẤT quy luật phát triển của bộ phận PHỨC TẠP NHẤT của con người!”#Luật_trí_não_dành_cho_trẻ thật sự cần thiết cho những ông bố bà mẹ tương lai, những người cần hiểu rõ: “A good education begins AT HOME!”(Thanh Thủy) -
Tâm Trí Thẩm Thấu
Cuốn sách này được viết ra dựa trên những bài giảng của Bác sĩ Maria Montessori tại Ahmedabad, trong Khóa Đào tạo đầu tiên trong thời gian bà bị giữ lại ở Ấn Độ cho đến cuối Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Ở đây bà đã tiết lộ những năng lực tinh thần độc đáo của đứa trẻ, những năng lực đã giúp đứa trẻ kiến tạo và thiết lập một cách vững chắc tất cả những đặc điểm của nhân cách con người chỉ trong một vài năm, không cần đến người thầy nào, không cần đến bất cứ sự hỗ trợ thông thường về mặt giáo dục nào, mà thực tế hầu như đều bị bỏ rơi hoặc thường bị cản trở. Những thành tựu đạt được của một cá thể, yếu ớt về mặt thể chất, dù được sinh ra với những tiềm năng to lớn, nhưng thực tế chưa đạt được bất cứ yếu tố nào trong đời sống tinh thần, một thực thể có thể được gọi là con số không, nhưng chỉ sau sáu năm đã vượt qua tất cả mọi sinh vật khác. Đây thật sự là một trong những điều bí ẩn to lớn nhất của sự sống.
Trong cuốn sách này, Bác sĩ Montessori không chỉ làm sáng tỏ những hiểu biết sâu sắc của bà, dựa vào sự quan sát thấu đáo và những nhận định xác đáng về những hiện tượng của giai đoạn sớm nhất nhưng mang tính quyết định nhất của cuộc đời này, mà còn chỉ ra trách nhiệm của người lớn đối với thời kỳ này. Thật sự, bà đã đem đến một ý nghĩa thực tiễn đối với sự cần thiết của khái niệm mà ngày nay được toàn thể nhân loại chấp nhận, đó là “giáo dục từ khi sinh ra đời”. Điều này chỉ có thể được thực hiện khi giáo dục trở thành một “sự trợ giúp cho cuộc sống” và khi giáo dục vượt qua được những giới hạn hạn hẹp của việc giảng dạy và truyền tải trực tiếp những kiến thức hay những lý tưởng từ người này sang người khác.
Một trong những nguyên tắc được biết đến nhiều nhất của Phương pháp Montessori là “sự chuẩn bị môi trường”; vào giai đoạn cuộc đời rất lâu trước khi trẻ đủ tuổi đi học, nguyên tắc này sẽ cung cấp một chìa khóa để hiện thực hóa việc giáo dục từ khi sinh ra đời, để đạt được sự nuôi dưỡng thực sự một con người ngay từ chính giai đoạn khởi đầu cuộc sống. Đây là một lời khẩn cầu dựa trên những nền tảng khoa học, nhưng cũng là lời khẩn cầu từ một người đã chứng kiến và đã trợ giúp những tiết lộ của bản chất đứa trẻ trên toàn thế giới, những tiết lộ của những giá trị cao quý về trí tuệ và tinh thần, điều đã tạo ra một sự tương phản đáng kinh ngạc với bức tranh hiện thực của nhân loại, mà ở đó, con người bị bỏ rơi trong giai đoạn kiến tạo, sẽ lớn lên trở thành như một mối đe dọa to lớn nhất cho sự tồn tại của chính mình.
Một cuốn sách không chỉ mang đến sự hiểu biết về đứa trẻ, về tầm quan trọng của giáo dục trong những năm đầu đời mà còn giúp người đọc hiểu về nhân loại, về xã hội loài người từ một góc nhìn đầy nhân văn trong mối tổng hòa của tự nhiên, của vũ trụ.
Nhưng nếu được phép mang một thông điệp duy nhất từ cuốn sách đến với những người làm cha mẹ, và tất cả những người có chung tình yêu với đứa trẻ, thì đó chỉ có thể là: chúng ta hãy cùng nhau tận hưởng tình yêu của chúng ta với đứa trẻ bằng một tình yêu thông thái, để cuộc sống của chúng ta và vạn vật trên thế giới ngày một tươi đẹp và hòa hợp hơn. -
Giờ Tạm Nghỉ Tích Cực
Giờ tạm nghỉ (Time out – tạm ngừng một hoạt động gì đó trong một khoảng thời gian ngắn để lấy lại bình tĩnh, cân bằng cảm xúc) là một trong những phương pháp kỷ luật (hình phạt) phổ biến nhất được sử dụng trong gia đình và trường học. Nó thường là một trải nghiệm dễ gây cho trẻ em cảm giác hổ thẹn và chán nản. Cuốn sách này sẽ đưa ra những cách sử dụng thời gian tạm nghỉ hiệu quả để biến nó trở thành một trải nghiệm tích cực cho trẻ, giúp cho các em học được cách tự chủ và rèn tính tự kỷ luật trong khi vẫn tăng cường sự tự tin, lòng can đảm và tính tự chủ ở trẻ.
Giờ tạm nghỉ Tích cực– Một kỹ năng sống quan trọng
Nhận biết được khi nào chúng ta cần dành thời gian để lấy lại bình tĩnh, cân bằng cảm xúc, sử dụng trí tuệ bên trong và lý trí đúng cách là một kỹ năng sống quan trọng. Thay vì sử dụng giờ tạm nghỉ như một hình phạt, người lớn có thể dùng nó để dạy trẻ kỹ năng sống quan trọng này.
Giờ tạm nghỉ chỉ có hiệu quả khi nó được thực hiện theo hướng tích cực, khích lệ, trao quyền, và không bao giờ coi đó là hình phạt. Cuốn sách này sẽ giúp cho phụ huynh và thầy cô phân biệt rõ giữa sử dụng sai cách và sử dụng đúng cách giờ tạm nghỉ, diễn giải về khác biệt giữa tạm nghỉ tích cực mang giá trị tốt đẹp và tạm nghỉ phạt lỗi mang lại tiêu cực cho trẻ nhỏ. Mặc dù việc ứng dụng giờ tạm nghỉ phạt lỗi khiến trẻ thấy xấu hổ và có thể làm ngưng hành vi của mình, nhưng cách ứng dụng này cũng gây ra những thương tổn cảm xúc cho các em.
Giờ tạm nghỉ Tích cực – một cách để khích lệ trẻ em
Giờ tạm nghỉ Tích cựckhông phải là cách duy nhất để khuyến khích và trao quyền cho trẻ em. Cuốn sách này còn bao gồm nhiều phương pháp khác để hạn chế xung đột với con trẻ. Tất cả đều được thiết kế để khuyến khích sự hợp tác hơn là nuôi dưỡng nỗi oán giận và thái độ nổi loạn. Tất cả các phương pháp này được dựa trên nền tảng của việc đề cao phẩm giá và sự tôn trọng, và mục tiêu dạy cho trẻ em những kỹ năng sống cần thiết, sẽ giúp trẻ phát triển trở thành một công dân tương lai thành công, hạnh phúc và mang lại nhiều đóng góp cho xã hội. Và tất cả những phương pháp thảo luận trong cuốn sách này đã đạt được kết quả quan trọng bởi hai tiêu chí:
1. Trẻ em được tham gia và được tôn trọng bất cứ khi nào có thể.
2. Tất cả các phương pháp này đều kết hợp đồng thời thái độ mềm mỏng và kiên định.
Cha mẹ và thầy cô hãy cùng thực hiện ước mơ xóa bỏ giờ nghỉ phạt lỗi, để chúng ta có thể trao quyền cho trẻ em thông qua việc thực hiện Giờ tạm nghỉ Tích cực và các phương pháp kỷ luật tích cực khác.
-
Kỷ Luật Tích Cực Dành Cho Trẻ Mẫu Giáo
Trong suốt 25 năm qua, Kỷ luật Tích cực đã luôn là chuẩn mực vàng cho những ai làm việc với trẻ em. Và giờ đây, ba tác giả gồm Jane Nelsen, nhà giáo dục, nhà tâm lý học uy tín; Cheryl Erwin, chuyên gia, diễn giả, tác giả và đồng tác giả sách và cẩm nang về hôn nhân và gia đình, nuôi dạy con cái và Roslyn Ann Duffy, cùng hợp tác đem đến cho chúng ta một phiên bản mới, cập nhật và mở rộng hơn – KỶ LUẬT TÍCH CỰC DÀNH CHO TRẺ MẪU GIÁO. Chiếc chìa khóa then chốt trong Kỷ luật Tích cực không phải là sự trừng phạt, mà là sự tôn trọng. Cả ba tác giả đã từng đào tạo, khai vấn giúp nhiều phụ huynh và giáo viên học cách cư xử vừa mềm mỏng vừa kiên quyết, để bất kỳ đứa trẻ nào – từ em bé 3 tuổi chập chững tập đi đến một bạn tuổi teen nổi loạn – cũng có thể học được cách hợp tác thật linh hoạt và tinh thần kỷ luật tích cực mà không bị tổn thương tới lòng tự trọng. Trong phiên bản thứ tư được sửa đổi và cập nhật này bao gồm một chương mới về tầm quan trọng của việc vui chơi và trải nghiệm ngoài trời đối với sự phát triển của trẻ nhỏ, cùng với thông tin mới về khả năng sẵn sàng đi học, sự phát triển não bộ của trẻ em và học tập về mặt cảm xúc xã hội, Kỷ luật Tích cực dành cho trẻ mẫu giáo sẽ giúp cha mẹ hiểu con mình và đưa ra những phương pháp sớm để nuôi dạy một đứa trẻ có trách nhiệm, lòng tôn trọng, sự tự chủ và tháo vát. Và các giáo viên mầm non qua cuốn sách này sẽ hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa và tầm quan trọng của việc ứng xử với con trẻ vừa mềm mỏng vừa kiên định và phương pháp này được biểu hiện ra sao, nhằm giúp trẻ phát triển năng lực bản thân, có cảm giác kết nối và yêu thương.
Trong cuốn sách này, bạn cũng sẽ tìm thấy các giải pháp thiết thực về cách:
– Dạy các kỹ năng xã hội thích hợp ngay từ khi còn nhỏ.
– Tránh những xung đột thường gặp khi rèn trẻ ngủ, ăn và tập ngồi bô.
– Xem hành vi sai hướng là cơ hội để dạy trẻ kỷ luật tích cực mà không trừng phạt.
– Nuôi dưỡng và thúc đẩy đúng cách mong muốn bẩm sinh của trẻ là được mang lại giá trị cho người khác, được chịu trách nhiệm và đóng góp.
Những lời khuyên thực tế từ cuốn sách đầy sự thông thái và nhân văn này, cùng với hàng trăm câu chuyện về Kỷ luật Tích cực trong thực tiễn đã đem lại lợi ích cho hàng triệu trẻ em. Hãy dành tặng cho con bạn những công cụ mà con cần để có một cuộc đời an nhiên, hạnh phúc khi trưởng thành.
-
Các Lý Thuyết Về Trẻ Em Của Dewey, Montessori, Erikson, Piaget Và Vygotsky
Các lý thuyết về trẻ em là cuốn cẩm nang dành cho những người thực hành, cũng như là một cuốn giáo trình cho các trường cao đẳng và chuyên nghiệp. Nó được xây dựng dành cho người làm việc với trẻ nhỏ, cho những ai muốn hiểu hơn về việc trẻ nghĩ và hành động như thế nào và làm thế nào để làm việc hiệu quả hơn với trẻ. Nó bắt đầu bằng một thảo luận về tính chất tương tác ảnh hưởng qua lại lẫn nhau giữa lý thuyết và thực hành, cần thiết để làm cho cả lý thuyết và thực hành có ý nghĩa hơn. Nó bao gồm thông tin và những suy nghiệm về công trình của năm trong số những người đóng góp chính cho kho kiến thức về trẻ em, là cơ sở cho những thực hành tốt nhất của chúng ta trong quá trình giáo dục trẻ mầm non. Nó là sách nhập môn cơ bản chứ không mang tính hàn lâm hay lý luận. Tôi hy vọng sẽ khơi gợi được lòng ham học hỏi của những người quan tâm đến mối liên hệ từ lý thuyết đến thực hành và tác động của nó tới những đứa trẻ, những giáo viên và những lớp học trong đời thực. Vì lý do này nên mỗi chương đều kết thúc bằng những câu hỏi thảo luận và những gợi ý đọc thêm.
Những câu chuyện chia sẻ ở đây được lấy từ các lớp học đời thực, nơi tôi trực tiếp làm việc hoặc quan sát những giáo viên khác làm việc. Mỗi chương sẽ cung cấp cho bạn đọc các thông tin cơ bản về cuộc đời và sự nghiệp của từng nhà lý thuyết. Những câu chuyện từ lớp học đời thực sẽ được dùng để minh họa cho quan điểm trong các tác phẩm của họ. Đây không phải một cuốn sách nhập môn toàn diện về lĩnh vực này, cũng không đề cập được trọn vẹn về mỗi lý thuyết gia. Tôi hy vọng cuốn sách nhập môn ngắn gọn cơ sở lý thuyết về trẻ mầm non này sẽ cung cấp cho bạn đọc nền tảng cơ bản để hiểu sự phát triển của trẻ ảnh hưởng tới cách thức chúng ta làm việc với trẻ em trong các chương trình giáo dục mầm non như thế nào và sẽ khích lệ chúng ta tiếp tục tìm hiểu các tài liệu chuyên sâu hơn.
-
Đổi Mới Giáo Dục Và Đào Tạo – Xây Dựng Những Người Hạnh Phúc Nhờ Sáng...
Triết lý khoa học và giáo dục Việt Nam hiện nay là duy trì một nền giáo dục vẫn chưa tiến lên ngang hàng với khoa học, một nền giáo dục hoài cổ dưới quyền điều khiển của nhà nước, chỉ được phép đào tạo những ngành khoa học vốn đã tồn tại ở Việt Nam, nhằm đào tạo ra những con rô-bốt vụng về với vốn tích lũy là những bài mẫu trong khuôn khổ vốn hiểu biết hạn chế của các nhà soạn thảo chương trình.
-
Cẩm Nang Giáo Dục Mầm Non – Theo Cách Tiếp Cận High/Scope
Cẩm nang giáo dục mầm non theo cách tiếp cận High/Scope sẽ cung cấp phần giới thiệu về triết lý giáo dục High/Scope và cách nó được sử dụng trong những năm đầu đời của trẻ. Ấn bản mới này đã được cập nhật đầy đủ để thể hiện tính liên kết của cách tiếp cận High/Scope với Chương trình giáo dục giai đoạn nền tảng (Early Years Foundation Stage – EYFS), bao gồm cả các tài liệu mới về cách làm việc với trẻ dưới 2 tuổi.
Cuốn sách sẽ giới thiệu những điểm quan trọng nhất của phương pháp này, từ khi nó được hình thành hơn 40 năm trước cho đến khi được xuất bản gần đây. Lý thuyết này sẽ được liên hệ với thực tiễn từ các trải nghiệm cá nhân của tác giả khi sử dụng phương pháp High/Scope ở nhiều cơ sở mầm non và trường học trong hơn 13 năm qua.
Trong tên gọi High/Scope thì:
- High (Mức độ) = mức độ thành tích cá nhân mà chúng ta mong muốn tất cả trẻ em do mình chăm sóc đều có thể đạt được.
- Scope (Phạm vi) = phạm vi trải nghiệm mà chúng ta có thể cung cấp cho trẻ để hỗ trợ trẻ đạt được mức “high” – mức độ cao trong thành tích cá nhân.
Các nội dung chính của cuốn sách bao gồm:
- Chi tiết về bánh xe học tập High/Scope.
- Lý giải về phương pháp học tập chủ động, bao gồm các tài liệu, thao tác, lựa chọn, ngôn ngữ và công cụ hỗ trợ.
- Các hoạt động lập kế hoạch/thực hiện/đánh giá.
- Các phương pháp lập kế hoạch và đánh giá.
Cuốn cẩm nang hữu ích này sẽ giúp những nhà thực hành giáo dục mầm non, sinh viên và phụ huynh thực sự nắm bắt được những lợi ích mà cách tiếp cận High/Scope có thể mang đến cho môi trường mầm non cũng như trẻ nhỏ. Những gợi ý trong cuốn cẩm nang sẽ mang tới cho bạn những chỉ dẫn để thiết lập một môi trường bận rộn và sáng tạo, thúc đẩy các ý tưởng với nhiều khu vực để hỗ trợ các lựa chọn và sở thích của trẻ. Trong môi trường như thế, các cơ hội học tập và phát triển liên tục của trẻ được thúc đẩy rất tự nhiên và có hệ thống. Trẻ có cơ hội để làm việc một mình cũng như làm việc theo nhóm nhỏ và nhóm lớn, từ đó khuyến khích trẻ xây dựng một cộng đồng phù hợp với mình.
-
Cẩm nang Giáo Dục Mầm Non – Theo Cách Tiếp Cận Reggio
Cẩm nang giáo dục mầm non theo cách tiếp cận Reggio gợi ý cách thức khuyến khích trẻ thể hiện sự sáng tạo bằng việc cung cấp cho trẻ các tài nguyên mở, cơ hội trải nghiệm phong phú, không gian, thời gian… và không quên thiết lập ranh giới để quản lý việc trẻ “tự do mạo hiểm”
Reggio Emilia là phương pháp tiếp cận được khởi xướng ở thành phố nhỏ cùng tên tại nước Ý từ những năm 60 của thế kỉ XX. Nó đã trở nên nổi tiếng toàn cầu khi Diana – trường mầm non vận hành theo cách tiếp cận này – được tạp chí Newsweek của Mỹ vinh danh là một trong mười ngôi trường tốt nhất thế giới vào năm 1991.
Cuốn sách cung cấp từ bối cảnh lịch sử ra đời của cách tiếp cận Reggio đến tam giác tương tác đa chiều giữa giáo viên – phụ huynh – trẻ em với cộng đồng để hỗ trợ việc học hỏi và phát triển của trẻ. Ngoài ra nó còn cho thấy sự sáng tạo là khả năng thiên bẩm của đứa trẻ và trẻ có “hàng trăm ngôn ngữ khác nhau” (Loris Malaguzzi) để biểu đạt nó. Cuốn sách gợi ý cách thức khuyến khích trẻ thể hiện sự sáng tạo bằng việc cung cấp cho trẻ các tài nguyên mở, cơ hội trải nghiệm phong phú, không gian, thời gian… và không quên thiết lập ranh giới để quản lý việc trẻ “tự do mạo hiểm”.
Cuốn sách này sẽ trình bày cách các nhà giáo dục tại Reggio Emilia (một thành phố tại Italy, nơi khởi nguyên của cách tiếp cận Reggio) làm việc với trẻ nhỏ, đồng thời xem xét mối liên hệ giữa cách tiếp cận Reggio và các nguyên tắc cũng như những cam kết của Khung EYFS sửa đổi. Cuốn sách cung cấp những ví dụ thực tế liên quan đến trẻ em ở các độ tuổi khác nhau trong nhiều bối cảnh khác nhau, giúp người đọc thấy được mối liên hệ giữa lý thuyết và thực tiễn.
Chương 1 sẽ giới thiệu cơ bản về cách tiếp cận Reggio, bàn về lịch sử, những yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của phương pháp này cũng như cách tổ chức nhà trẻ và trường mầm non.
Chương 2 tập trung vào các mối quan hệ – giữa người lớn và trẻ em, giữa những nhà thực hành giáo dục sớm và cha mẹ, cũng như giữa môi trường mầm non với cộng đồng địa phương.
Trong Chương 3, chúng ta xem xét chi tiết hơn về tính sáng tạo – môi trường và nguồn lực hỗ trợ tính sáng tạo, những cách để trẻ nhỏ thể hiện tính sáng tạo của mình và tầm quan trọng của việc quản lý “tự do mạo hiểm”.
Vai trò của môi trường được khám phá trong Chương 4 – cách sử dụng tầm nhìn, tính linh hoạt, ánh sáng và bóng tối, sự phản chiếu và không gian đa giác quan để nâng cao khả năng học tập và phát triển của trẻ nhỏ.
Quản lý thời gian là trọng tâm của Chương 5 – tận dụng tối đa các cơ hội để trẻ khám phá và điều tra, giao tiếp, suy nghĩ và phản ánh, ăn uống, ngủ nghỉ, hoạt động ngoài trời và tham gia các dự án dài hạn.
Chương 6 thảo luận về việc học tập và giảng dạy – phát triển ý tưởng và giả thuyết của trẻ, lập kế hoạch cho các dự án mở, học tập cá nhân và theo nhóm, việc ghi chép, chia sẻ việc học với phụ huynh và tôn vinh việc học.
Cuối cùng, Chương 7 xem xét tầm quan trọng của thực hành suy nghiệm – làm việc theo nhóm, chia sẻ kỹ năng và chuyên môn, đề cao, coi trọng ý kiến của người khác, thực hiện những nghiên cứu hành động và chịu trách nhiệm cho sự phát triển nghề nghiệp của chính mình.
-
Cẩm Nang Giáo Dục Mầm Non – Theo Cách Tiếp Cận Steiner Waldorf
Cẩm nang giáo dục mầm non theo cách tiếp cận Steiner Waldorf cung cấp những hiểu biết về lịch sử ra đời của lý thuyết giáo dục Steiner Waldorf, các giai đoạn phát triển của trẻ, vai trò của vui chơi cũng như cách lựa chọn đồ chơi “mở” cho trẻ trong quá trình học tập.
Trong cuốn sách này, tác giả Janni Nicol sẽ giúp bạn có những hiểu biết về lịch sử ra đời của lý thuyết giáo dục Steiner Waldorf, các giai đoạn phát triển của trẻ, vai trò của vui chơi cũng như cách lựa chọn đồ chơi “mở” cho trẻ trong quá trình học tập. Các yếu tố chính trong lý thuyết giáo dục này như cách thiết lập nhịp điệu, lòng tôn kính, kể chuyện và múa rối cũng được giới thiệu rất sinh động, hấp dẫn. Tác giả cũng đem đến cho bạn cái nhìn toàn cảnh về cách thiết kế trường mầm non cũng như cách thức tổ chức lễ hội trong trường học theo cách tiếp cận Steiner Waldorf. Có một phần đáng kể trong cuốn sách tập trung mô tả việc quan sát, đánh giá và lập kế hoạch hỗ trợ sự phát triển của trẻ theo cách tiếp cận Steiner Waldorf, đồng thời đặt các trường học vận hành theo phương pháp này trong sự đối chiếu với Khung chương trình giáo dục mầm non tại Anh Quốc.
Một phương pháp giáo dục hướng tới việc tôn trọng bản chất cốt lõi của những năm tháng thơ ấu của trẻ, bao gồm các hoạt động diễn ra từ quãng thời gian trước khi trẻ chào đời, xây dựng kiến thức nuôi dạy con cho phụ huynh, các nhóm sinh hoạt cho trẻ kéo dài tới giai đoạn mầm non (từ 3 đến hơn 6 tuổi). Đó được gọi là phương pháp giáo dục Steiner Waldorf.
Trong cuốn sách: “Cẩm nang giáo dục mầm non theo cách tiếp cận Steiner Waldorf”, tác giả đã giải đáp mọi thông tin liên quan đến phương pháp giáo dục này cũng như những cách thức để vận dụng chúng vào thực tế cuộc sống.
Cuốn sách bao gồm 12 chương, lần lượt giới thiệu và khai thác phương pháp Steiner Waldorf, cụ thể là:
- Chương 1: Giới thiệu chung về giáo dục mầm non theo cách tiếp cận Steiner Waldorf
- Chương 2: Tóm tắt lịch sử của giáo dục Steiner Waldorf
- Chương 3: Giáo dục những năm đầu đời theo cách tiếp cận Steiner Waldorf
- Chương 4: Vui chơi: Công việc quan trọng của tuổi ấu thơ
- Chương 5: Thiết kế của một trường mầm non Steiner
- Chương 6: Nhịp điệu, sự lặp lại và sự tôn kính
- Chương 7: Tổ chức lễ hội
- Chương 8: Kể chuyện và múa rối
- Chương 9: Giáo dục trong khung chương trình giáo dục giai đoạn nền tảng (EYFS)
- Chương 10: Quan sát, đánh giá và lập kế hoạch
- Chương 11: Đồng hành cùng phụ huynh trong 3 năm đầu đời của trẻ
- Chương 12: Các môn học khác
Trong cuốn sách này, tác giả Janni Nicol sẽ giải thích tường tận về lịch sử của phương pháp giáo dục Steiner Waldorf, vai trò của việc vui chơi trong quá trình học tập, các chủ đề chính như nhịp điệu sinh hoạt, sự lặp lại và lòng tôn kính, cũng như ý tưởng về các hoạt động và nguồn tài nguyên hỗ trợ giáo dục.
Các ví dụ thực tiễn liên quan đến trẻ em ở các độ tuổi khác nhau sẽ được cung cấp xuyên suốt cuốn sách, giúp độc giả thấy được mối liên hệ giữa lý luận và thực tiễn.
-
Căn Bệnh Giáo Dục
ăn bệnh giáo dục “Nguy cơ giáo dục” khiến cả học sinh và giáo viên Nhật Bản khổ sở
Giáo dục Nhật Bản vốn luôn được đánh giá là một nền giáo dục hàng đầu thế giới, là hình mẫu cho các quốc gia học tập. Tuy nhiên ở trong nước, nền giáo dục Nhật Bản vẫn luôn có nhiều ý kiến trái chiều. Các nhà nghiên cứu giáo dục Nhật Bản rất nghiêm túc trong việc phản biện các vấn đề giáo dục. Pyo Uchida – Phó giáo sư chuyên ngành xã hội giáo dục tại Đại học Nogoya là một người nhà nghiên cứu như vậy , ông đề cập đến những vấn đề “mặt trái” của giáo dục Nhật Bản được núp bóng dưới những điều tốt đẹp trong cuốn sách Căn bệnh giáo dục “Nguy cơ giáo dục” khiến cả học sinh và giáo viên Nhật Bản khổ sở. Cuốn sách của ông đã làm bùng lên một cuộc tranh cãi rất lớn trong giới giáo dục Nhật Bản. Ông nghiêm túc chỉ ra những nguy cơ của một số hành vi giáo dục ngay cả khi nó đang được xã hội ca tụng và ánh hòa quang làm mờ mắt.
Mội dung cuốn sách chỉ ra một số nguy cơ tồn tại trong giáo dục Nhật Bản như sau:
-Vấn đề thành tích trong thể dục đội hình khổng lồ hóa, câu lạc bộ Judo và các câu lạc bộ ngoại khóa của Nhật Bản đang được thổi phồng ở các trường học, rất nhiều tai nạn, thậm chí tai nạn chết người lặp lại cùng nguyên nhân nhưng vẫn không được quan tâm đúng mức mà nó bị làm mờ đi vì khoác dưới vỏ bọc “khổ luyện thành tài”. Việc trẻ bị “trừng phạt thân thể” hay bạo hành vẫn được coi là “một phần của giáo dục” bởi xuất phát điểm của việc trừng phạt nghiêm khắc là để trẻ có kỉ luật và tiến bộ hơn. Vô hình trung điều đó càng khiến bạo lực được dung túng.
– Sức ép vô hình của “lễ thành nhân ½ ” (Nghi lễ được tiến hành để chúc mừng học sinh lớp 4 tiểu học tròn 10 tuổi. Trong lễ thành nhân ½, cha mẹ học sinh sẽ được mời đến tham dự, học sinh và phụ huynh cùng nhìn lại quá trình trưởng thành của con và chia sẻ cảm xúc “biết ơn” giữa con cái và cha mẹ). Xuất phát điểm của hoạt động này trong lễ thành nhân 1/2, mặc nhiên cho rằng gia đình luôn sống hạnh phúc trong một thời gian dài và không có gì thay đổi. Trong khi đó, thực tế xã hội hiện đại, gia đình không trọn vẹn, bố mẹ đơn thân hoặc với những đứa trẻ bị ngược đãi trong chính gia đình của mình, không phải là ít. Sẽ khó xử và bẽ bàng thế nào khi trẻ phải kể về những trải nghiệm không muốn nhớ lại của mình trước đám đông, hoặc trẻ phải “giả vờ cười và cố giấu đi sự thật”. Đó có thể coi là một hành động mang tính bạo hành tinh thần được giấu trong hoạt động có vẻ ngoài mang tính nhân văn.
– Nguy cơ của giáo dục trong xã hội công dân, tác giả cho rằng một trong những nguyên nhân rào cản của giáo dục trường học còn ở chính các giáo viên và phụ huynh. Họ vừa là nạn nhân lại vừa là tác nhân gây ra căn bệnh giáo dục khi bị chính những thứ tưởng là “những điều tốt đẹp” mê hoặc. Giáo viên ở Nhật bản là một nghề vất vả, ngoài công tác chuyên môn họ còn phải kiêm nhiệm quản lý các câu lạc bộ trong trường học mà họ không hề có chuyên môn. Việc này tốn nhiều thời gian của họ khiến chất lượng cuộc sống của giáo viên bị giảm sút khi không còn thời gian dành riêng cho gia đình và cũng là thiệt thòi của học sinh khi tham gia câu lạc bộ lại không được hướng dẫn bởi người có chuyên môn sâu.
Kì vọng của xã hội về giáo dục ở bất cứ đâu đều mong muốn giáo dục phải hướng trẻ tới những điều tốt đẹp nhất. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng thực tế giáo dục nảy sinh nhiều vấn đề. Những vấn đề nóng của giáo dục mà dư luận luôn quan tâm như bệnh thành tích, trừng phạt thân thể, tự sát, bắt nạt học đường… đang tràn lan trên các phương tiện truyền thông khiến chúng ta không khỏi xót xa, đau đớn. Những câu chuyện của giáo dục Nhật Bản, tưởng chừng rất xa vời với giáo dục Việt Nam, nhưng nếu thử ngẫm thật kĩ và ra sẽ thấy đó là căn bệnh không hiếm gặp trong giáo dục Việt Nam.
-
Phương Pháp Giáo Dục Montessori – Phát Hiện Mới Về Trẻ Thơ
Quan sát và nghiên cứu của tiến sĩ Maria Montessori cho thấy trẻ em 0-6 tuổi luôn khao khát được “cảm nhận” thế giới, khám phá xung quanh, thậm chí có lúc trẻ chỉ muốn được “một mình với thế giới”. Chuỗi nghiên cứu cùng dẫn bà đến kết luận: nếu được tự do chọn lựa và hoạt động trong một môi trường được chuẩn bị kỹ càng, phù hợp với khả năng và giai đoạn phát triển, thì trẻ sẽ phát huy được tối đa tiềm năng sẵn có của mình. Vì thế, trong cuốn sách này, tác giả Maria Montessori chia sẻ cách “bày trận” để trẻ tự do học đọc, học viết, học tính, phát triển năng khiếu… một cách hiệu quả nhất.
Nhận định
Tinh thần, tinh hoa của phương pháp giáo dục Montessori chính là: Cho trẻ tự do để trẻ phát triển tốt nhất. Đây thật sự là một cuốn sách hữu ích.
(E.G Holmes, giáo sư đại học Harvard)
Nếu tôi nói đây là cuốn sách kinh điển nhất (trừ Kinh thánh) e rằng có chút cường điệu. Tuy nhiên nếu cho tôi chọn một cuốn sách mang lại hạnh phúc cho loài người, tôi sẽ không e ngại khi chọn cuốn sách này.
(Claude A. Claremont, Hiệu trưởng học viện sư phạm Montessori Anh quốc)
-
Phương Pháp Giáo Dục Montessori – Sức Thẩm Thấu Của Tâm Hồn
Phương pháp giáo dục Montessori được đánh giá là phương pháp giáo dục tiên tiến , khoa học và hoàn thiện nhất thế giới hiện nay. Ở Việt Nam ngày càng nhiều các bậc cha mẹ quan tâm, tìm hiểu phương pháp này. Cuốn sách thể hiện tư tưởng giáo dục thời kì sau của Maria Montessori. Trong thời kỳ này, bà đã dự đoán được những lý luận về trẻ em của mình sẽ được toàn thế giới quan tâm. Điều khiến người ta ngạc nhiên là tư tưởng của bà vượt xa những đồng nghiệp trong giới tâm lý học và giáo dục cùng thời với bà.
The Absorbent mind – Sức thẩm thấu của tâm hồn hé mở nền tảng tư tưởng của phương pháp giáo dục Montessori nổi tiếng toàn cầu, đang được áp dụng tại hơn 5000 trường học của Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Thụy Điển… góp phần tạo ra cuộc “cách mạng giáo dục” trên thế giới. Cuốn sách được tiến sĩ Maria Montessori viết ra dựa trên kết quả quan sát tỉ mỉ và đánh giá chuyên sâu những hiện tượng giáo dục có ý nghĩa quyết định xuất hiện trong cuộc sống của trẻ từ 0 – 6 tuổi. Trong đó khẳng định: Trẻ có khả năng tự học hay nói cách khác “tâm hồn” trẻ có khả năng “tự thẩm thấu” kiến thức, tình cảm… Do đó không cần ai dạy trẻ, trẻ hoàn toàn có thể “tự dạy chính mình”.
Một cuốn sách đáng được đọc kỹ càng tới từng chữ, bởi vì “quan điểm” tác giả nêu ra dường như càng phát huy tác dụng trong thực tế, thậm chí hiệu quả của nó vượt xa sự mong đợi của chính tác giả.